Một trong những lí thuyết về động lực (motivation theory) trong ngành tâm lí học là “Self-determination theory" (tạm dịch: thuyết tự quyết). [1] Thuyết tự quyết cho rằng con người được thúc đẩy để phát triển và thay đổi bởi ba nhu cầu tâm lý nội sinh và phổ quát. Lý thuyết này gợi ý rằng mọi người có thể trở nên nhiều động lực, tự quyết định khi các nhu cầu của họ về năng lực (competence), sự kết nối (connection) và quyền tự chủ (autonomy) được đáp ứng. Thuyết tự quyết được giới thiệu trong cuốn sách Self-Determination and Intrinsic Motivation in Human Behavior vào năm 1985 của 2 nhà tâm lý học Edward Deci và Richard Ryan. Trong một bài nghiên cứu vào năm 2000, Ryan và Deci phân tích sâu hơn những yếu tố tác động lên động lực ngoại sinh (extrinsic motivation) và động lực nội sinh (intrinsic motivation). [2]

Chúng ta có động lực nội sinh khi chúng ta thấy hứng thú, yêu thích điều gì đó một cách tự nhiên - đến từ bên trong bản thân mình. Còn động lực ngoại sinh là khi ta dựa vào những yếu tố ngoại biên để kích thích, khích lệ hành vi của bản thân - đến từ bên ngoài bản thân mình.

Động lực là một phổ có những giai đoạn khác nhau. Ryan và Deci chia ra làm 3 giai đoạn: amotivation (không có động lực), extrinsic (ngoại sinh) và intrinsic (nội sinh). [2]

Screen Shot 2022-09-08 at 4.25.59 PM.png

Động lực của con người không cần phải đi theo một trục tuyến tính. Chúng ta không phải lúc nào cũng đi từ: không có động lực → động lực từ bên ngoài → động lực từ bên trong. Có những lúc chúng ta có sẵn động lực từ bên trong. Có những lúc chúng ta đi từ trạng thái có động lực tới mất hết động lực (oops).

Một điều thú vị Ryan và Deci nói đó là chúng ta có khả năng chuyển động lực ngoại sinh thành động lực nội sinh.

Có thể hiện tại bạn đang không cảm thấy có động lực từ bên trong để học bất cứ thứ gì, điều này không sao cả vì động lực đó đang mất chút thời gian để đến với bạn thôi:) Điều bạn cần làm bây giờ đó là dựa vào những động lực từ bên ngoài để thúc đẩy bản thân và dần dần mong muốn học từ bên trong sẽ đến.

Bạn có thể đang tự hỏi: “Dựa vào động lực từ bên ngoài hoài vậy có làm mình ỷ lại không?” Sự thật là trên thực tế chúng ta không thể có động lực từ bên trong để làm tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Bạn sẽ cần dựa vào động lực từ bên ngoài để làm 1 số thứ. Điều quan trọng là bạn tìm được những động lực lành mạnh và phù hợp với giá trị của bản thân. Còn việc dựa vào yếu tố bên ngoài là hoàn toàn bình thường.

Nếu bạn đang có động lực học từ bên trong rồi, chúc mừng bạn! Hãy truyền động lực đó cho những người bạn đang chưa có động lực nội sinh như bạn! Và nếu bạn để ý, bạn có lẽ có động lực nội sinh để học chủ đề mình yêu thích nhưng sẽ không có động lực tương tự với chủ đề mình không mấy yêu thích. Điều này không sao cả vì, một lần nữa, chúng ta không có động lực nội sinh để học, để làm tất cả mọi thứ trong cuộc sống. Nếu bạn cần phải làm những thứ mình không mấy ưa thích, hãy tìm kiếm những yếu tố bên ngoài để thúc đẩy bản thân (sẽ nghiên cứu thêm về cách tìm yếu tố bên ngoài thế nào cho hiệu quả).

Kết

Động lực là một trạng thái, quá trình phức tạp thay vì có một công thức rõ ràng trắng đen. Nếu bạn đang cảm thấy mình không có động lực học, hãy thử suy nghĩ lại xem chủ đề nào bạn có động lực nội sinh để học, chủ đề nào thì không. Với những chủ đề bạn chưa có động lực, thử tìm kiếm động lực từ bên ngoài nhé! Đừng vội suy luận “không có động lực" hay “không driven" là cá tính, con người của bạn vì mình tin là không phải vậy.

Nguồn

[1] Graham, S., & Weiner, B. (1996). Theories and principles of motivation. Handbook of Educational Psychology4, 63-84.

[2] Ryan, R. M., & Deci, E. L. (2000). Intrinsic and extrinsic motivations: Classic definitions and new directions. Contemporary Educational Psychology25(1), 54-67.